Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Giải pháp dinh dưỡng tối ưu trong ngày Tết

Ngày Tết, thức ăn không thể giống ngày thường, hầu hết các mâm cơm ngày Tết đều như ăn tiệc, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng người thì tăng cân vù vù, người thì sụt đi vài ký, có trẻ bị béo phì sau Tết, nhưng có trẻ lại bị suy dinh dưỡng. Vậy nên ăn thế nào để không xảy ra những tình trạng trên?

Với trẻ nhỏ

Cùng với niềm vui sum họp gia đình vào dịp Tết, sức khỏe của trẻ nhỏ luôn là mối quan tâm lớn nhất trong gia đình, dinh dưỡng cho bé thế nào giúp bé luôn có sức khỏe tốt để cả nhà vui trọn ngày xuân. Nỗi lo thường gặp của các phụ huynh có con nhỏ là: “Cho bé ăn gì để bé không bị rối loạn tiêu hóa, không bị béo phì, không bị suy dinh dưỡng…?”.

Các bữa ăn trong gia đình vào những ngày Tết thường nhiều đạm, nhiều béo, nhiều đường nhưng lại thiếu rau xanh. Hầu như nhà nào cũng có một mâm ngũ quả để cúng nhưng trái cây để “ăn được” thì rất ít. Bánh chưng bánh tét được làm từ gạo nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, vì vậy nhiều bé béo phì không kiểm soát được cân nặng vì không thể từ chối trước những miếng bánh đầy thịt, mỡ quá hấp dẫn.

Các loại thức ăn ngọt cung cấp năng lượng rất cao, chỉ cần 40-50g mứt các loại hoặc vài viên kẹo hay 1 lon nước ngọt sẽ cung cấp năng lượng bằng 1 bát cơm. Năng lượng của các thực phẩm này được cung cấp chủ yếu từ đường nên nó là nguyên nhân làm cho trẻ béo phì dễ tăng cân nhưng lại là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Vì vậy, tùy theo tình trạng dinh dưỡng của trẻ mà các mẹ chọn món ăn phù hợp. Với trẻ có nguy cơ thừa cân thì ăn ít bánh chưng hoặc ăn bánh thì thôi cơm, động viên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt, hạn chế tối đa nước ngọt, bánh kẹo. Với những bé lười ăn thì tuyệt đối không ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn, cho bé ăn đa dạng thức ăn. Với các bé còn nhỏ dưới 3 tuổi thì vẫn phải nấu các món ăn phù hợp với tuổi của bé như cơm nát, mỳ, súp, cháo và uống sữa.

Với bậc cao niên

Trong gia đình có người già, người bị các bệnh do rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh gout, tăng huyết áp, mỡ máu cao… thì càng cần phải chú ý đến chế độ ăn hơn. Ngày Tết không thể kiêng tuyệt đối như ngày thường, vẫn có thể ăn các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, chả, nem nhưng ăn ở mức vừa phải và thay đổi cách chế biến đi một chút. Ví dụ đã ăn bánh chưng thì thôi cơm, ăn bánh chưng kèm theo rau luộc chứ không phải dưa hành vì dưa hành rất nhiều muối không tốt cho người già, người tăng huyết áp. Chỉ nên ăn giò lụa, không ăn giò mỡ, giò tai. Ăn canh măng thì nên nấu với sườn thăn hoặc cá chứ không nấu với chân giò. Nên ăn nem cuốn cùng nhiều rau xanh, tôm, cá chứ không ăn nem rán hoặc ăn nem rán thì nhân nem nên làm bằng thịt lườn gà và cho nhiều rau. Các cụ luôn nhớ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tối đa nước ngọt, bánh, mứt, kẹo.

Với phụ nữ

Là người nội trợ, chị em nên mua ít thịt, cá tôm thì vừa phải, nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế thức ăn nhanh chế biến sẵn. Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn. Chế biến món ăn càng đơn giản càng tốt. Chủ yếu hấp, luộc, nấu canh, salat… Nấu vừa phải, tránh để thức ăn thừa quá nhiều, đun đi đun lại nhiều lần vừa mất chất dinh dưỡng, lại là nguy cơ ngộ độc thức ăn trong ngày Tết.

Tết là dịp sum vầy, vì thế chúng ta không cần quá nghiêm khắc ép uổng bản thân phải ngủ đúng giờ, ăn uống chừng mực. Tuy nhiên, việc liên tiếp ăn những món nhiều dầu mỡ, các loại mứt, món ngọt kèm với việc thức khuya sẽ đẩy cơ thể đến giới hạn, dẫn đến mệt mỏi, nổi mụn và béo bụng. Vậy đâu là giải pháp tối ưu cho cơ thể ngày Tết? Hãy tận dụng các loại trái cây có sẵn tại nhà để chế biến thức uống giải độc tốt cho cơ thể. Một ly nước ấm với chanh buổi sáng sẽ giúp bạn tráng bao tử hiệu quả, loại thải những độc tố tích tụ từ buổi tối hôm trước. Ngoài ra, với một ít dâu tây, kiwi, cam trong tủ lạnh, xắt nhỏ và cho vào một bình nước đầy là bạn đã có ngay thức uống detox tốt dáng đẹp da cho cả ngày. Nước ép dưa hấu cũng rất tốt cho việc thải độc, giúp bạn bổ sung thêm một lượng chất xơ và vitamin thiếu hụt trong ngày Tết.

Và đấng mày râu

Vấn đề lớn nhất với nam giới là uống gì thì tốt cho sức khỏe?

Ngày Tết là dịp gặp gỡ gia đình, bạn bè, đối tác lâu năm, không có bia rượu e là câu chuyện kém rôm rả. Tết khó vui nếu thiếu một vài lon bia, bữa ăn cũng khó ngon nếu thiếu một, hai ly rượu. Thực ra, khi dùng chừng mực, bia rượu là chất xúc tác để bữa cơm thêm ấm cúng, cũng là một liều thuốc giúp hỗ trợ tiêu hóa. Chuyện bia rượu chứa những chất độc hại như thế nào cho gan nói riêng và cơ thể nói chung có lẽ ai cũng biết. Và lượng bia rượu an toàn đối với chúng ta là không quá 30g cồn (tương đương 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày). Không để uống quá say vì có thể dẫn đến ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm.

Uống rượu mà quên ăn là cách tàn phá gan rất nhanh. Có ăn cùng với nhiều loại thực phẩm khác nhau trong khi uống rượu bia thì chất cồn mới có thể theo thức ăn chuyển hóa bớt ở những nơi khác, giảm lượng cồn chuyển hóa ở gan. Chúng ta nên uống rượu một cách chậm rãi, từ tốn, tránh để lượng cồn lớn bất ngờ xâm nhập cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới sốc rượu. Nhiều người quá chén bị xuất huyết tiêu hóa, tai biến mạch máu não ở trong tình trạng vô cùng nguy kịch phải cấp cứu vào bệnh viện khiến cả gia đình ăn Tết mất vui. Thậm chí, nếu uống nhiều sẽ gây nên hiện tượng “tửu nhập ngôn xuất” và đôi khi tửu nhập nhưng không chỉ có ngôn xuất mà cả thức ăn cũng “xuất” theo (nôn mửa), chưa kể đến những phát sinh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông khi đi ra đường sau khi uống bia rượu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người khác.

Và một lời khuyên cho các anh là nên ăn nhiều trái cây tươi và nước ép trái cây khi uống rượu vì ngoài tác dụng cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể, giúp cơ thể nhuận tràng, dễ tiêu hóa thức ăn thì một công dụng tuyệt vời của trái cây chính là giải khát, giải rượu trong những ngày Tết và khử mùi hôi ở miệng.

Lưu ý: Muốn tránh mệt mỏi, chúng ta không nên ăn quá no. Hệ tiêu hóa thường chỉ tiết ra một lượng dịch tiêu hóa nhất định mỗi ngày. Ăn quá no sẽ làm dạ dày tiêu hóa chậm, kéo dài dễ gây trướng bụng và khó tiêu. Khi ăn quá no, dạ dày cần một lượng máu lớn để tăng hoạt động tiêu hóa nên lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác giảm đi, gây thiếu máu não thoáng qua, làm chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.

Nỗi lo tăng cân ngày Tết luôn là ám ảnh của hầu hết chị em. Người ta thường nói “ăn Tết” chứ có ai nói “nhịn Tết” bao giờ đâu.

ThS.BS. Lê Thị Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét